Thi ca nông nhàn
duyprint
2025-03-20T08:40:34-04:00
2025-03-20T08:40:34-04:00
http://vannghecuocsong.net/vi/news/nghien-cuu-phe-binh/thi-ca-nong-nhan-46.html
/themes/default/images/no_image.gif
NUKEVIET
http://vannghecuocsong.net/assets/images/logo.png
Thứ năm - 20/03/2025 08:38
THI CA NÔNG NHÀN LÀ THƯỜNG NGHIỆM
THI CA SIÊU ĐẰNG LÀ SIÊU NGHIỆM
( Tôi đưa ra thước đo cứng đầu tiên trên thế giới )
Paul Nguyễn Hoàng Đức
Người ta tiến hành trải nghiệm (cũng là thường nghiệm) bằng ngũ giác. Ngũ giác gửi các thông số như mùi vị, âm thanh, sắc thái… lên não. Não là bộ tham mưu của trực giác để cấu kết thành tri thức và tư tưởng. Vì vậy Não nằm trên đầu cao nhất cũng là bộ chỉ huy cao nhất. Tư tưởng đó là Siêu nghiệm vì nó đã thoát khỏi sắc thái trực tiếp của ngũ giác để biến thành tư tưởng. Não phải cao hơn ngũ giác là các chòi canh của cơ thể. Sáng tạo bằng tư tưởng là cao nhất và luôn đóng vai bậc thầy. Sáng tạo bằng ngẫu hứng cảm xúc là thấp nhất vì mới chỉ ở vai lính canh thấy gì nói nấy. Đây là điều hiển nhiên mấy anh cảm xúc chớ cãi chầy cãi cối?!
Sáng tạo thường nghiệm là thấy gì nói nấy, như thần đồng Trần Đăng Khoa viết: “cua ngoi lên bờ, mẹ em xuống cấy”
hay “hạt gạo làng ta có bão tháng bảy có mưa tháng ba”.
Nguyên chủ tịch Hữu Thỉnh thì viết: “Còn chút lửa hoa rong giềng cuối giậu”.
Chủ tịch tại vị Nguyễn Quang Thiều: “Những người đàn bà đánh giậm đi thành hàng dọc trên đại lộ”…
Còn thơ siêu nghiệm thì sao? Tất nhiên đó là cái vượt lên thường nghiệm, người ta không thể dùng ngũ quan để tiếp cận nó, mà phải dùng sự cô thấu của tinh thần. Chẳng hạn:
Nhà thơ Quang Dũng “Heo hút cồn mây súng ngửi trời”…
Hoặc của Không Lộ Thiền Sư: “Một tiếng kêu vang lạnh cả trời” …
Chúng ta hãy đến với vài câu thơ Trung Hoa cổ:
“Mái chèo chém vòm trời trên sóng biếc
Thuyền lướt lên trăng theo dòng nước nổi”
Hay:
“Trong ánh kiếm bóng dòng sông vẫn chảy”
…
Thơ thường nghiệm như Vũ Hoàng Chương tả:
Cổ chưa khô đầu chưa nặng mắt chưa hoa
Tay mềm mại bước chân còn chưa chuếnh choáng
Chưa cuối xứ Mê Ly chưa cùng trời phóng đãng
Còn chưa say, hồn khát vẫn thèm men
Say đi em, say đi em
Say cho lơi lả ánh đèn
Cho cung bậc ngả nghiêng điên rồ xác thịt
Rượu, rượu nữa, và quên, quên hết…
Nhưng bài thơ bước tới siêu nghiệm, bước tới thứ “thành sầu” chưa ai thấy ở thế gian này:
Nhưng em ơi
Ðất trời nghiêng ngửa
Mà trước mắt thành sầu chưa sụp đổ
Ðất trời nghiêng ngửa
Thành sầu không sụp đổ, em ơi!
Thơ triết lý cao nhất (Hegel) cũng là cách mà thơ siêu nghiệm bởi vì triết lý luôn chầu quanh những tâm điểm của nguyên lý, cái không thấy được: cục sắt ném xuống nước sẽ chìm, nhưng tầu thủy vỏ sắt làm theo luật Ac-si-met thì chúng ta không thể thấy. Chúng ta đến với hai câu thơ cực đỉnh của thi hào Mỹ Whitman:
“Tôi cùng anh không xu dính túi
Vẫn mua được hương thơm của cả trái đất này”
Một câu thơ vừa khiêm nhường vừa kiêu hãnh, ngay tức thời nó quẳng tất cả lũ trọc phú “dùi đục chấm mắm cáy” không biết thưởng thức cái đẹp vào hố rác vật chất không biết đến hương hoa. Rồi câu:
“Nếu bạn muốn tìm tôi
“Hãy tìm dưới đế giày của bạn”
Một câu thơ khiêm nhường tuyệt đối, hết chỗ để lùi.
Một câu thơ của một danh thi khác (tôi tạm quên tên):
“Đau khổ đầu tiên siêu thoát
Và khoái lạc đầu tiên sợ hãi”
Nếu không phải siêu nghiệm, thì có giác quan thường nghiệm nào viết được như vậy?!
Nhân đây tôi cũng xin giới thiệu vài vần thơ siêu nghiệm của mình:
“Bàn chân đâu chặng đường chưa tới
Và chân lý hằng đau mùa gặt”
…
Và kia, cả chuỗi tương lai
Rợp trời vỗ cánh ùa về
Cố lách mình qua khe cửa
Phút giờ hiện tại
Đòi xem những bản hợp đồng
Cho dự án của ngày mai
…
Trước cửa luân hồi
Khi vĩnh cửu nghiêng đầu khẽ hỏi
Ngươi có đem theo ngày tháng đặt tên mình
Vào vương quốc của ta chăng?
…
Tiểu thuyết hay thi ca toàn thể cũng thế, Iliad và Odyssey tạo ra thế giới của người cùng của thánh ngự trên đỉnh Ô-lanh-pơ chính là cách giao duyên thường trực giữa cái thường nghiệm và siêu nghiệm. Cuốn trường ca thần học “Thần Khúc” của Dante nhắm về thế giới siêu nghiệm. Hoặc các tiểu thuyết “Anh em nhà Caramadốp” hay “Tội ác và trừng phạt” của Doistoevsky…
Cái siêu nghiệm thường bắt nguồn và hướng tới Tư tưởng (nó nằm trên ngũ quan trực giác), chân lý, nguyên lý, công lý, thần thánh… tất cả được đặt trên trí tuệ nghiêm túc. Người Đức có câu “cười một lúc đã nhạt, nhưng khóc cả ngày không nhạt”, ở đó họ cũng tôn vinh Bi kịch lớn hơn Hài kịch. Từ xưa người Hy Lạp cũng xác định Bi kịch chỉ giành cho đàn ông để chuẩn bị đức hiến dâng. Còn hài kịch giành cho đàn bà và trẻ con.
Những nhân vật chọc cười thường là thằng gù hay thằng ngọng, hoặc khuyết tật khó có thể mang tầm vóc dính dấp vào công lý hay Chúa Trời, bởi vì ngay việc hiến tế cho thánh thần người đời đã phải chọn gái đồng trinh… thì những ngọng nghịu, đùa cợt sao có thể vươn tới CHÂN THIỆN MỸ để bước vào thế giới của tư tưởng – tức những siêu nghiệm mang lý tưởng thần thánh.
Tôi muốn đưa ra kết luận cho thước đo của mình: Tầm vóc của một bài thơ, tác phẩm, cũng như tác giả của nó phải là, khả năng siêu nghiệm của anh ta đến đâu thì tầm vóc của anh ta đến đó?!
Paul Đức 14/3/2022
#paulducthicasieunghiem
Văn sĩ, triết gia Nguyễn hoàng Đức viêt về thi ca nông nhàn...